Đầm lầy nhiệt đới Đầm_lầy

Sự phân bố toàn cầu của các đầm lầy nhiệt đới chủ yếu tập trung tại Đông Nam Á, nơi sử dụng nông nghiệp đối với đất than bùn đã phát triển trong vài thập niên gần đây. Nhiều khu vực đất than bùn nhiệt đới rộng lớn đã được dọn quang và tiêu thoát nước để trồng cây nông nghiệp và công nghiệp, như các đồn điền cọ dầu. Tiêu thoát nước quy mô lớn của các đồn điền này thường dẫn tới sự sụt lún, ngập lụt, cháy và làm xấu chất lượng đất. Mặt khác, xâm chiếm quy mô nhỏ lại gắn với nghèo đói và cũng là thực tiễn phổ biến rộng nên cũng có tác động tiêu cực tới các vùng đất than bùn. Các yếu tố sinh học và phi sinh học kiểm soát đất than bùn Đông Nam Á là hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau.[6] Các tính chất thổ nhưỡng, thủy văn và hình thái học được tạo ra bởi thảm thực vật hiện tại thông qua tích lũy vật chất hữu cơ của chính nó, nơi nó được tạo ra như là môi trường phù hợp cho thảm thực vật cụ thể này. Vì thế, hệ sinh thái này dễ bị tổn thương do các thay đổi về thủy văn hay thảm thực vật che phủ.[23] Ngoài ra, các vùng đất than bùn này chủ yếu nằm tại các khu vực đang phát triển với thu nhập thấp nhưng có tỷ lệ tăng dân số cao. Đất than bùn vì thế trở thành mục tiêu của đốn hạ gỗ, sản xuất bột giấy thương mại và chuyển đổi thành các đồn điền trồng cây công nghiệp thông qua chặt phá, dọn quang, tiêu thoát nước và đốt rừng.[6] Tiêu thoát nước đối với các vùng đất than bùn nhiệt đới làm thay đổi chế độ thủy văn và gia tăng độ nhạy cảm của chúng đối với cháy và xói mòn đất, như là hậu quả của các thay đổi về thành phần vật lý và hóa học.[24] Sự thay đổi trong đất ảnh hưởng mạnh tới thảm thực vật nhạy cảm và rừng biến mất là phổ biến. Tác động ngắn hạn là giảm sự đa dạng sinh học nhưng do sự xâm chiếm là khó đảo ngược nên tác động dài hạn là mất đi môi trường sống. Thiếu kiến thức về đất than bùn nhạy cảm thủy văn và nghèo dinh dưỡng thường dẫn tới thất bại của các đồn điền và áp lực lại gia tăng đối với phần đất than bùn còn lại.[6]

Lâm nghiệp bền vững trong các vùng đất than bùn này là có thể với sự đốn hạ các cây gỗ lớn để các cây gỗ nhỏ phát triển, nhưng thay vì thế thì chiến lược chủ đạo trong khu vực lại là dọn sạch, đốt, tiêu thoát nước để làm đồn điền độc canh các loài thực vật không bản địa.[6]

Đất than bùn phương bắc chủ yếu tích tụ trong thế Holocen sau sự thoái lui của các sông băng trong thế Pleistocen, nhưng đất than bùn nhiệt đới thì thường là cổ hơn. Đất ngập nước Nakaikemi ở tây nam Honshu, Nhật Bản có độ tuổi là trên 50.000 năm và có chiều sâu 45 m.[6] Đất than bùn Philippi ở Hy Lạp có lẽ là có lớp than bùn dày nhất, với chiều sâu tới 190 m.[25] Các vùng đất than bùn nhiệt đới được cho là chứa khoảng 100 tỷ tấn cacbon[24][26] và tương ứng với trên 50% cacbon dưới dạng CO2 trong khí quyển.[6] Tốc độ tích lũy cacbon trong thiên niên kỷ gần đây là khoảng 40 g C/m2/năm.[27]

Khí nhà kính và cháy

Đất than bùn nhiệt đới ở Đông Nam Á chỉ chiếm 0,2% diện tích đất đai của Trái Đất nhưng phát thải CO2 được ước tính là tới 2 tỷ tấn mỗi năm, tương đương 7% phát thải nhiên liệu hóa thạch toàn cầu.[23] Các phát thải này ngày càng lớn hơn với tiêu thoát nước và đốt cháy đất than bùn, với đám cháy lớn có thể giải phóng tới 4.000 tấn CO2/ha. Các sự kiện đốt cháy trong đất than bùn nhiệt đới ngày càng thường xuyên hơn do tiêu thoát nước và dọn dẹp đất quy mô lớn. Trong khoảng thời gian 10 năm qua, chỉ riêng tại Đông Nam Á trên 2 triệu ha đã bị đốt và dọn sạch. Các đám cháy này thường kéo dài 1–3 tháng và giải phóng một lượng lớn CO2. Indonesia là một trong số các quốc gia chịu các thảm họa đốt cháy đất than bùn, đặc biệt là trong những năm khô hạn liên quan tới ENSO, một vấn đề ngày càng tăng kể từ năm 1982 như là kết quả của phát triển sử dụng đất và nông nghiệp.[24] Trong sự kiện El Niño giai đoạn 1997-1998 trên 24.400 km2[6] đất than bùn đã mất đi do cháy chỉ riêng tại Indonesia, trong đó 10.000 km2 đã bị cháy tại KalimantanSumatra. Lượng CO2 giải phóng ước tính đạt 0,81–2,57 tỷ tấn, tương đương 13–40% tổng lượng CO2 giải phóng toàn cầu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Indonesia hiện nay được coi là đứng thứ ba thế giới về phát thải CO2 toàn cầu, chủ yếu do các vụ cháy như thế này gây ra.[28] Với khí hậu đang nóng lên thì những vụ cháy như thế này dự kiến là sẽ tăng kể cả về số lượng và cường độ. Điều này là kết quả của khí hậu khô cùng với một dự án trồng cấy lúa rộng khắp, gọi là The Mega Rice Project (Dự án Triệu hecta Lúa) ở Kalimantan, khởi đầu trong thập niên 1990 khi 1 triệu hecta đất than bùn được chuyển đổi thành các ruộng lúa. Rừng và đất than bùn đãbị dọn sạch bằng cách đốt và 4.000 km kênh mương tiêu thoát nước trong khu vực.[29] Khô hạn và chua hóa đất đai đã làm cho mùa vụ thất thu và dự án này đã bị từ bỏ vào năm 1999.[30] Các dự án tương tự tại Trung Quốc đã dẫn tới mất mát đầm lầy cỏ và đầm lầy kiềm nhiệt đới nặng nề vì sản xuất lúa gạo.[31] Tiêu thoát nước, ngoài gia tăng rủi ro cháy, còn có thể gây ra phát thải CO2 bổ sung khoảng 30–100 tấn/ha/năm nếu như mức nước ngầm bị hạ thấp chỉ 1 m.[32] Tiêu thoát nước đất than bùn có lẽ là đe dọa quan trọng nhất và kéo dài nhất đối với đất than bùn trên toàn tế giới, nhưng đặc biệt là trong khu vực nhiệt đới.[24] Đất than bùn cũng giải phóng khí nhà kính là methan có tiềm năng mạnh trong gây ra ấm lên toàn cầu, nhưng đất ngập nước cận nhiệt đới có liên kết CO2 cao trên mỗi mol methan được giải phóng, và đó là chức năng chống lại ấm lên toàn cầu.[33]

Sinh học và đặc trưng than bùn

Thảm thực vật của đất than bùn nhiệt đới biến đổi theo khí hậu và vị trí. Ba đặc trưng khác nhau là:

  • Rừng đầm lầy ngập mặn: Xuất hiện trong khu vực duyên hải và vùng đồng bằng châu thổ nước mặn.
  • Rừng đầm lầy: Loại rừng này xuất hiện trên rìa vùng đất than bùn trong nội lục. Quần thực vật chứa nhiều loài cọ, dừa với những cây có thể cao tới 70 m và chu vi tới 8 m, đi kèm các loài dương xỉ và thực vật biểu sinh.
  • Padang: Kiểu rừng ở Malaysia và Indonesia, bao gồm các loại cây bụi và cây gỗ ca nhưng thân mảnh dẻ mọc tại trung tâm của vùng đất than bùn lớn.[6]

Sự đa dạng các loài thân gỗ, như cây gỗ và cây bụi, trong đất than bùn nhiệt đới là lớn hơn so với trong đất than bùn khu vực khác. Vì thế than bùn tại vùng nhiệt đới chủ yếu là từ vật liệu dạng gỗ từ thân cây gỗ và cây bụi và chứa ít hoặc hoàn toàn không có rêu than bùn như trong đất than bùn hàn đới.[6] Nó chỉ phân hủy một phần và bề mặt bao gồm một lớp dày lá rụng.[6] Lâm nghiệp trên đất than bùn dẫn tới tiêu thoát nước và các mất mát cacbon nhanh chóng do nó làm giảm vật liệu hữu cơ đầu vào và tăng tốc độ phân hủy.[34] Trái với đất ngập nước ôn đới, đất than bùn nhiệt đới là quê hương của một vài loài cá. Nhiều loài mới, thường là đặc hữu, đã được phát hiện trong thời gian gần đây[35] nhưng phần nhiều trong số chúng được coi là sắp nguy cấp hay nguy cấp.[24]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đầm_lầy http://www.nrc.ca/cgi-bin/cisti/journals/rp/rp2_ab... http://www.nrcresearchpress.com/doi/10.1139/a11-01... http://np-net.pbworks.com/f/Hooijer,+Silvius+et+al... http://link.springer.com/10.1007/s11367-017-1367-y http://doi.wiley.com/10.1111/j.1529-8817.2003.0078... http://www.personal.ceu.hu/students/03/nature_cons... http://www.biogeosciences.net/7/1505/2010/ http://www.annualreviews.org/doi/10.1146/annurev-e... //dx.doi.org/10.1007%2F978-94-007-6173-5_147-1 //dx.doi.org/10.1007%2Fbf02664953